Gia vị thực dưỡng

Xích tiểu đậu là gì và công dụng trong Đông y

Cập nhật2544
0
0 0 0
Xích tiểu đậu là loại hạt đậu đỏ nhỏ có tên khoa học là Vigna angularis, tròn dẹt, chỉ dài khoảng 2mm, vỏ hạt đậu có màu hồng đậm và rốn hạt lồi lên.
Xích tiểu đậu được trồng phổ biến tại các tỉnh phía Nam như : Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên,... Trong các nghiên cứu chỉ ra, xích tiểu đậu rất giàu chất dinh dưỡng như protein 21 %, carbonhydrat (58 %), lipid 0,5 %; các vitamin nhóm B (B1, B2); các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể: Ca, Fe, P... Bên cạnh đó là sắc tố, các saponin tritecpenic, phytosterol,... Đây cũng là thực phẩm quen thuộc và yêu thích của các gia đình.

Đậu đỏ hạt to hay hạt nhỏ tốt hơn
Trên thị trường, bạn cũng có thể thấy nhiều loại đậu đỏ với kích cỡ to hơn nhiều như đậu thận (hay còn gọi là đậu tây). Loại này ít được làm thuốc và hầu như chỉ được dùng để làm thực phẩm.

Ngoài ra, ở miền Bắc nước ta còn trồng một loại đậu rất giống đậu đỏ là đậu nho nhe (hay còn gọi là đậu gạo, đậu Cao Bằng, đậu nâu). Cây có tên khoa học là Phaseolus calcaratus (hoặc Vigna umbellata). Đậu nho nhe gồm nhiều loại với các màu hạt khác nhau, trong đó, loại hạt có màu nâu đỏ là giống với “xích tiểu đậu” (đậu đỏ hạt nhỏ) nhất.
Công dụng:
Đối với y học cổ truyền, xích tiểu đậu vị nhạt, ngọt, chua, tính bình, vào các kinh tâm, tiểu tràng. Tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, chỉ huyết lợi thủy, trừ thấp, trừ mủ, hành huyết. Người ta thường thấy các thầy thuốc, y sĩ y học cổ truyền dùng xích tiểu đậu trong các trường hợp trị bệnh như: tả, lỵ, đau dạ dày, đầy trướng bụng; bệnh gan; mật; bệnh tiết niệu: tiểu đỏ, ngắn, tiểu buốt, rắt; hoặc mụn nhọt...
  • Bổ máu, thúc đẩy tuần hoàn máu.
  • Phòng và chữa bệnh beri beri (bệnh do thiếu hụt vitamin B1).
  • Giúp thanh nhiệt, tiêu thũng, loại trừ mủ.
  • Điều trị vàng da do viêm gan.
  • Giúp lợi tiểu, điều trị phù thũng và chướng bụng.
  • Điều trị viêm thận, nước tiểu có albumin.
  • Giúp máu huyết lưu thông.
  • Kích thích tuyến sữa ở phụ nữ mang thai.
  • Tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
  • Giúp tỉnh rượu và giải độc.
  • Cách dùng: sắc uống mỗi ngày từ 10 – 30 g
Các bài thuốc chữa bệnh:
1. Chữa bệnh béo phì và tay chân phù
Lấy 50 g đậu đỏ hạt nhỏ ngâm trong nước ấm từ 2 – 3 giờ rồi vớt ra, cho vào nồi và đổ nửa lít nước vào, nấu cho đến khi hạt đậu chín nhừ thì cho thêm 50 g gạo vào, tiếp tục nấu thành cháo và ăn (ăn khi cháo còn ấm và ăn vào buổi sáng, chiều, nếu cháo nguội thì hâm lại cho ấm).
2. Chữa chứng phù thũng do dinh dưỡng kém
Lấy hạt đậu đỏ nhỏ và hạt đậu phộng (mỗi loại 15 g), táo Tàu (10 g,) sắc lấy nước uống.
3. Chữa tiểu ra máu
Lấy đậu đỏ nhỏ và đương quy với tỉ lệ bằng nhau, nghiền nát và để dùng dần. Mỗi ngày, lấy 10 – 20 g bột trên hòa với nước và uống.
Nếu không dùng cách trên, bạn cũng có thể dùng bài thuốc sau: lấy 25 g quả qua lâu, đốt thành than rồi tán mịn cùng 30 g đậu đỏ hạt nhỏ. Mỗi lần uống, lấy 2 g hỗn hợp bột này uống cùng với rượu (uống liên tục 1 tuần).
4. Phụ nữ sau khi sinh bị thiếu sữa, tiểu ít
Lấy 250 g đậu đỏ hạt nhỏ, vo sạch, cho vào nấu cùng nửa lít nước (lưu ý nấu bằng nồi đất hoặc nối thủy tinh), nấu khoảng 20 phút thì chắt lấy nước uống, không dùng phần hạt (mỗi ngày nấu một lượng như thế và dùng liên tục từ 3 – 5 ngày).
5. Chữa chứng mụn nhọt, đơn độc mới phát, sưng và nóng đỏ
Lấy hạt đậu đỏ nhỏ, nếu là hạt tươi thì giã nát, nếu là hạt khô thì tán bột, sau đó nhào với nước cho sệt rồi đắp lên vết ung nhọt (lưu ý đắp và thay thường xuyên trong ngày, kiên trì nhiều lần).
6. Chữa chứng đau lưng
Lấy đậu đỏ hạt nhỏ, rễ tranh và vỏ quả dưa hấu (mỗi loại đều 50 g), tất cả cho vào nồi và nấu lấy nước uống (lưu ý, mỗi ngày uống 2 lần và kiên trì dùng trong vài ngày liên tiếp).
7. Chữa bệnh thiếu máu
Lấy 250 g đậu đỏ hạt nhỏ, nấu lấy nước uống (uống thường xuyên).
8. Chữa bệnh phù thũng, phù chân
Lấy 120 g đậu đỏ hạt nhỏ và 250 g thịt quả bí đao, cho vào nồi, thêm nước và nấu uống như trà.
9. Chữa chứng đau bụng kinh, bế kinh
Lấy đậu đỏ hạt nhỏ và gạo tẻ (mỗi loại 30 g), rửa và vo cho sạch rồi nấu thành chè, sau đó cho thêm chút đường mạch nha và ăn.
10. Chữa chứng trĩ mạch lươn ra máu
Khi bị trĩ mạch lươn, xung quanh hậu môn sẽ có dấu hiệu mọc mụn mủ và lở loét rất khó chịu (cả trong và ngoài). Trong trường hợp này, có thể dùng 3 thăng đậu đỏ, nấu chín, phơi khô rồi ngâm với 5 lít giấm, sau đó vớt ra phơi, khi khô thì lại tẩm giấm. Cứ làm như vậy cho tới khi hết nước giấm để tẩm thì phơi thêm lần cuối cho khô, sau đó nghiền nhỏ đậu và chia thành nhiều lần uống, mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần uống 3 đồng cân (hoà với rượu mà uống).
11. Trị bệnh quai bị ở nam giới
Lấy một nắm hạt đậu đỏ, tán mịn rồi trộn với lòng trắng trứng gà, sau đó cho thêm một chút giấm vào và thoa lên da (thoa một lớp dày).
12. Điều trị chứng phụ nữ sau khi sinh nở bụng bị đầy ách, trương tức không ăn uống được
Lấy 14 hạt đậu đỏ đốt cho cháy bên ngoài chừng 70 % (đốt tồn tính), sau đó nghiền nát, hòa với nước đun sôi để nguội rồi uống.
13. Trị chứng sản phụ không mở mắt được sau khi sinh
Nếu sau khi sinh nở, sản phụ không mở mắt ra được và trong người bải hoải mệt mỏi thì lấy hạt đậu đỏ giã nát, mỗi lần uống 6, 5 g (uống với nước đun sôi để nguội, nếu có điều kiện thì uống với nước suối tự nhiên, tức “trường lưu thủy” – nước đang chảy).
14. Chữa chứng say rượu, nôn ói
Cách dùng rất đơn giản. Chỉ cần lấy một ít hạt đậu đỏ, nấu lên rồi chắt nước cho người say uống là sẽ giã rượu.

15. Chữa chứng đi tiêu (đại tiện) ra máu

Dùng một nắm đậu đỏ, nghiền thành bột rồi uống với nước đun sôi để nguội (mỗi lần uống 6, 5 g bột).
16. Chữa bệnh mang tai bị nổi đỏ và sưng cứng thành cục do phong nhiệt
Lấy một nắm đậu đỏ tán thành bột, trộn với mật ong cho sệt rồi đắp lên, để như vậy qua đêm thì nốt sưng cứng sẽ tan dần.
17. Phòng ngừa và chữa bệnh đậu sởi – bài thuốc nước 5 thứ đậu trong dân gian
Bài thuốc này của lương y Phạm Huy Sóc. Cách dùng như sau: lấy đậu xanh, đậu đỏ, đậu vàng (tức đậu nành), đậu đen và đậu trắng, mỗi loại 50 g, sao vàng rồi nấu thật kỹ và uống nước này thay cho nước uống (lưu ý, mỗi ngày dùng một thang như thế và uống liên tiếp ba ngày).
Những lưu ý khi dùng xích tiểu đậu?
  • Không nên lạm dụng đậu đỏ vì ăn đậu đỏ liên tục trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị khô gầy.
  • Người âm hư mà không bị thấp nhiệt thì không nên dùng đậu đỏ.
  • Không nên dùng đậu đỏ cùng lúc với bí đao vì sẽ làm lượng nước tiểu tăng lên đột ngột và có thể gây mất nước (8).
  • Ở Trung Quốc, đậu đỏ cũng được gọi là “hồng đậu”. Tuy nhiên, nhiều loại hạt khác cũng được gọi là “hồng đậu”, vì vậy cần chú ý phân biệt.
Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng chữa bệnh.
Nguồntổng hợp
Lượt xem26/09/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng