Nhóm bệnh tiểu đường

Đái tháo đường thai kỳ: Những lưu ý khi sử dụng thuốc trị đái tháo đường để bảo vệ thai nhi

Cập nhật460
0
0 0 0

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phải chỉ định dùng thuốc cho những mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ nếu việc thay đổi chế độ ăn và vận động không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại thuốc nào, thuốc trị đái tháo đường cần phải được sử dụng một cách thận trọng vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Khi mang thai, tất cả những việc bạn làm đều có thể gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng, kể cả việc điều trị đái tháo đường thai kỳ bằng thuốc. Vì vậy, mẹ bầu hãy ghi chú lại những lưu ý dưới đây để sử dụng thuốc trị đái tháo đường một cách hiệu quả và an toàn nhé!
2 lưu ý khi sử dụng thuốc trị đái tháo đường dạng uống
Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các loại thuốc trị đái tháo đường thai kỳ an toàn, ít gây tác dụng phụ cho mẹ bầu và thai nhi. Một số loại thuốc dạng uống như metformin hoặc glyburide có thể được chỉ định để điều trị đái tháo đường thai kỳ.
1. Uống thuốc đúng liều chỉ định
Việc sử dụng các thuốc trị đái tháo đường quá liều có thể làm hạ đường huyết. Tình trạng này có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu xảy ra thường xuyên tình hình còn nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị co giật, hôn mê hoặc thậm chí tử vong. Bé của bạn cũng có thể gặp phải những biến chứng tương tự nếu bị hạ đường huyết hoặc phát triển bệnh lý này sau khi sinh. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng thuốc đúng liều chỉ định để hạn chế tối đa tình trạng này định.
2. Ăn uống đầy đủ sau khi uống thuốc
Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ bị hạ đường huyết không chỉ là do uống thuốc quá liều mà còn do ăn không đủ, bỏ bữa hoặc ăn sau khi uống thuốc quá lâu. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian uống thuốc cũng như chế độ ăn khi uống thuốc để tránh bị hạ đường huyết sau khi dùng thuốc trị đái tháo đường thai kỳ.
3 lưu ý khi sử dụng insulin dạng tiêm
Nếu việc sử dụng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng insulin dạng tiêm để điều hòa đường huyết và bảo vệ bạn tránh khỏi những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do đái tháo đường thai kỳ. Bạn có thể cần thận trọng hơn khi sử dụng insulin dạng tiêm so với khi dùng thuốc trị đái tháo đường dạng uống.
1. Tiêm đúng thời điểm và chỉ định của bác sĩ
Tùy vào loại insulin sử dụng mà thời gian tiêm thuốc của mẹ bầu có thể khác nhau. Thông thường, insulin sẽ được tiêm trước bữa ăn, trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cách xa bữa ăn hoặc bỏ bữa sau khi đã tiêm thuốc cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị hạ đường huyết. Vì vậy, mẹ bầu cần sử dụng thuốc đúng thời gian và chỉ định của bác sĩ để hạn chế tình trạng này.
2. Bảo quản insulin trong điều kiện thích hợp
Tất cả các loại insulin đều nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng. Vì vậy, việc bảo quản insulin trong điều kiện không phù hợp có thể làm hỏng hoặc giảm tác dụng của thuốc.
Thông thường, bạn nên bảo quản insulin trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2 – 6°C. Thuốc ổn định ở nhiệt độ này trong khoảng 28 ngày. Nếu cần sử dụng, bạn nên để insulin ở nhiệt độ phòng trước khi tiêm vì insulin lạnh có thể gây khó tiêm hoặc gây đau đớn khi tiêm.
Tùy thuộc vào loại insulin mà điều kiện bảo quản và tuổi thọ của thuốc có thể khác nhau đôi chút. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu chi tiết về thuốc để có cách bảo quản và sử dụng hợp lý.
3. Đảm bảo vệ sinh khi tiêm
Insulin được tiêm trực tiếp vào cơ thể của bạn. Đây là đường xâm nhập hoàn hảo cho vi khuẩn và nấm mốc. Một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể dẫn đến sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc mắc các dị tật bẩm sinh. Vì vậy, mẹ bầu cần đảm bảo vệ sinh trong quá trình tiêm. Bạn cần rửa sạch tay và vệ sinh vị trí cần tiêm trước khi tiến hành tiêm. Thêm vào đó, tuyệt đối không để kim tiếp xúc với các vật bên ngoài để tránh kim bị nhiễm khuẩn.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý vẫn đóng một vai trò quan trọng giúp bạn ổn định đường huyết và hạn chế tối đa tình trạng tăng cân quá mức. Không những thế, 2 yếu tố này cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thuốc của bạn. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyến khích bạn duy trì chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý trong quá trình sử dụng thuốc trị đái tháo đường thai kỳ:

  • Ăn thường xuyên và tránh bỏ bữa vì bạn có thể gặp phải tình trạng hạ đường huyết do dùng thuốc.

  • Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám và các loại đậu.

  • Tránh tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm có chứa đường. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều rau củ và trái cây chứa ít tinh bột và ít ngọt.

  • Lựa chọn các nguồn protein nạc như cá, thịt gia cầm bò da, thịt heo hoặc thịt bò nạc.

  • Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thêm các loại sữa chuyên biệt dành cho người bị đái tháo đường thai kỳ để vừa bổ sung thêm dưỡng chất vừa giúp ổn định đường huyết hằng ngày. Mẹ bầu nên ưu tiên sữa có đầy đủ các dưỡng chất đạm, đường, chất béo, các vitamin và khoáng chất cùng:

    • 35% hàm lượng axit folic

    • Hàm lượng myo-inositol cao gấp 4 lần

    • 56% hàm lượng sắt

  • Duy trì việc luyện tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày.

Các mẹ bầu cần phải đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc trị đái tháo đường thai kỳ. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và khắc phục kịp thời.

Nguồnhellobacsi
Lượt xem03/09/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết
Tags

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng