Nhóm bệnh tim mạch

Nhận biết dấu hiệu sớm bệnh suy tim

Cập nhật977
0
0 0 0

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, có tỉ lệ mắc bệnh cao. Bệnh suy tim mạn tính khó chữa khỏi, đe dọa tính mạng người bệnh bởi nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có thể phòng tránh rủi ro bệnh suy tim nếu nhận biết được các dấu hiệu sớm của bệnh và có cách điều trị, chăm sóc đúng đắn.

1. Suy tim là gì?

Suy tim là tình trạng tim bị yếu, không thể bơm máu đi nuôi cơ thể một cách hiệu quả, khiến máu vận chuyển khắp cơ thể và qua tim chậm hơn so với người bình thường. Suy tim là một hội chứng lâm sàng, có căn nguyên là sự bất thường ở cấu trúc hoặc chức năng tim nên bệnh có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Suy tim gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị sớm

4 cấp độ suy tim (theo Hội tim mạch Hoa Kỳ):

Cấp độ

Triệu chứng

I

Suy tim tiềm tàng, có hoặc có ít triệu chứng, triệu chứng không rõ ràng. Người bệnh vẫn có thể vận động thể lực, sinh hoạt bình thường. Vì vậy, rất khó phát hiện bệnh.

II

Suy tim nhẹ, xuất hiện các triệu chứng như: hụt hơi, đau thắt ngực, khó khăn khi vận động. Các dấu hiệu chỉ thoáng qua.

III

Các triệu chứng suy tim xuất hiện nhiều hơn, giới hạn khả năng hoạt động. Đây là giai đoạn có dấu hiệu rõ ràng, thời điểm nhiều người bệnh thăm khám và điều trị.

IV

Suy tim nặng, khó thở, mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi. Người bệnh phải nhập viện thường xuyên.

2. Triệu chứng bệnh suy tim 

Một số biểu hiện bệnh suy tim sớm nhất:

  • Khó thở khi vận động, gắng sức như đi bộ, leo cầu thang, bê vật nặng hoặc cả khi nghỉ ngơi, khi bị stress thể chất hoặc tinh thần.

  • Cơn khó thở kịch phát về đêm, kèm theo ho khan.

  • Mệt mỏi, chóng mặt, kiệt sức.

  • Đau tức, nặng về phía bên phải (hạ sườn phải).

  • Phù hai bàn chân, cẳng chân, báng bụng.

  • Nhịp tim nhanh bất thường.

  • Khả năng hồi phục sau khi gắng sức rất chậm.

Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi là một trong những dấu hiệu của suy tim

3. Nguyên nhân của bệnh suy tim

  • Bệnh động mạch vành.

  • Nhồi máu cơ tim khiến một số vùng tim bị chết, tạo thành sẹo làm giảm khả năng co bóp của quả tim. 

  • Bệnh cơ tim do lạm dụng nhiều rượu bia. 

  • Tăng huyết áp mạn tính, tăng áp lực lên tim và quả tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài. 

  • Bệnh tim bẩm sinh. 

  • Bệnh van tim gây hở hoặc hẹp van tim. 

  • Các bệnh lý mãn tính: bệnh tuyến giáp, suy thận, đái tháo đường. 

  • Rối loạn nhịp tim kéo dài. 

  • Sử dụng thuốc để điều trị ung thư hoặc một số loại thuốc đặc biệt khác. 

  • Viêm cơ tim. 

4. Bệnh suy tim có nguy hiểm không?

Dù là suy tim cấp 1, 2, 3 hay bệnh suy tim ở giai đoạn cuối thì bệnh nhân đều phải đối mặt với việc gặp phải các biến chứng không mong muốn. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy tim, các bệnh lý kèm theo trong quá trình điều trị. Cấp độ suy tim càng cao, rủi ro càng nhiều. 
Suy tim không chỉ khiến người bệnh phải nhập viện vì những triệu chứng như khó thở, phù, mệt mỏi mà còn đe dọa tính mạng bởi các biến chứng suy tim:

- Phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi: Suy tim gây ứ một lượng dịch lớn ở phổi gây ho khan, khó thở, phù phổi cấp.

- Đột tử do rối loạn nhịp tim: Nhịp tim quá nhanh, rung thất, nhịp nhanh thất gây đột tử cao. 

- Đột quỵ và nhồi máu cơ tim: Các cục máu đông gây tắc động mạch vành, động mạch não.

- Nguy cơ hỏng van tim: Tim làm việc gắng sức trong thời gian dài có thể khiến các dây chằng xung quanh tim bị giãn, đứt, hỏng van tim. 

- Cơ thể bị thiếu máu: Chức năng thận bị suy giảm, cơ thể không sản xuất đủ hormone tạo hồng cầu gây thiếu máu. 

- Tổn thương gan, thận: Suy tim khiến thận không được cung cấp đủ máu nên các chức năng lọc, đào thải độc tố, muối, nước ra khỏi cơ thể bị suy giảm. Ngoài ra, tim giảm khả năng vận chuyển máu khiến gan phải tăng kích thước để chứa máu, lâu ngày dễ dẫn đến xơ gan, suy gan. 

- Rối loạn nhịp tim: Tim đập nhanh chậm bất thường gây rung nhĩ, rung thất, nhịp tim nhanh thất…

5. Bệnh suy tim có chữa khỏi không?

Suy tim có thể được kiểm soát tốt và chữa khỏi hoàn toàn trong một số trường hợp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bệnh suy tim có thể được kiểm soát tốt nếu điều trị đúng cách

- Chẩn đoán suy tim

  • Tiền sử gia đình, khám lâm sàng, trao đổi về các các triệu chứng suy tim đang mắc phải. 

  • Các phương pháp cận lâm sàng như: Điện tâm đồ ECG, X-quang ngực, siêu âm tim qua thành bụng, ảnh cộng hưởng từ, chụp động mạch vành qua thông tim giúp chẩn đoán nguyên nhân, tiên lượng và theo dõi điều trị suy tim. 

- Điều trị suy tim

Mục đích của việc điều trị bệnh suy tim là làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, nhập viện và tăng chất lượng sống của người bệnh. 

Điều trị triệu chứng suy tim:

  • Dùng thuốc trợ tim, lợi tiểu, giãn mạch máu… theo sự chỉ định của bác sĩ. 

Điều trị nguyên nhân gây suy tim: 

Điều trị tốt các bệnh lý, nguyên nhân gây ra suy tim. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến suy tím chủ yếu liên quan đến các bệnh tim mạch.

  • Hở van tim sẽ tiến hành nong van tim (do hẹp) hay phẫu thuật thay van tim.

  • Bệnh động mạch vành cần nong + đặt stent. 

  • Bệnh tim bẩm sinh phải phẫu thuật, can thiệp qua da…

  • Tăng huyết áp thì phải kiểm soát huyết áp.

Khi bệnh có nguy cơ xảy ra biến chứng, cần thực hiện song song giữa điều trị nguyên nhân và điều trị suy tim.

6. Chăm sóc bệnh nhân suy tim để phòng tránh rủi ro

- Hiểu rõ triệu chứng của bệnh

Nhận biết các dấu hiệu của bệnh và thăm khám sớm rất quan trọng trong việc chữa trị suy tim. Bởi phát hiện càng sớm, khả năng chữa khỏi bệnh và ít để lại biến chứng càng cao.

- Tái khám với bác sĩ ngay khi tình trạng bệnh không giảm sau khi dùng thuốc, nghỉ ngơi

Một số dấu hiệu bệnh suy tim trở nặng cần thăm khám ngay lập tức:

  • Cảm giác khó thở tăng lên vào ban đêm. 

  • Nhịp tim giảm nhanh chóng. 

  • Suy giảm chức năng thận. 

  • Cơ thể bị sưng phù nhiều hơn. 

- Ăn uống đủ dinh dưỡng, lành mạnh

Chế độ ăn uống cho người suy tim cần bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi. Nhóm thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, vitamin và các chất chống oxy hóa, rất tốt cho tim mạch. Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn một số thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, cá hồi, cần tây, chuối, cam, dưa hấu.

Người suy tim nên bổ sung nhiều rau củ quả trong ăn uống hằng ngày

Các loại sữa giàu vitamin D, canxi, magie, photpho như sữa đậu nành, sữa gạo, sữa chua hoa quả… rất tốt cho người bệnh suy tim, đặc biệt với những đối tượng bị suy kiệt sức khỏe do ăn uống không ngon miệng, tiêu hóa kém. Bên cạnh đó cũng cần hạn chế tối đa muối và các thực phẩm giàu Natri, chất béo, chất đạm, thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn hoặc lên men như dưa muối, cải bắp, đậu đỗ. 

Lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày cần đúng theo chỉ định của bác sĩ (dựa vào mức độ suy tim và nhu cầu của bệnh nhân). Không truyền dịch khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Người bệnh phù tay, phù chân nhiều phải hạn chế bổ sung nước vào cơ thể cũng như có chế độ ăn nhạt hoàn toàn để tránh bị tích nước.  

Riêng bệnh nhân có sử dụng thuốc chống đông để điều trị suy tim không nên ăn các loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, đậu xanh, củ cải, mùi tây, rau diếp… để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. 

- Bỏ thuốc lá và các thực phẩm chứa cồn như rượu, bia

Sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích có thể khiến bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, bỏ thuốc lá và rượu bia là điều cần thiết cho bệnh nhân suy tim trong điều trị cũng như dự phòng bệnh tái phát. 

- Thường xuyên tập luyện thể dục

Luyện tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, ổn định huyết áp, nhịp tim cũng như đường huyết. Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn các động tác vừa phải, nhẹ nhàng và tăng dần cường độ. Tuyệt đối tránh những hoạt động thể lực nặng như nâng tạ, chạy bộ hay những bài tập đòi hỏi phải căng, duỗi cơ liên tục.

- Tuân thủ điều trị của bác sĩ

Người mắc suy tim nên tuân thủ mọi điều trị của bác sĩ, dù khỏe nhiều hay không có triệu chứng cũng không được tự ý dừng thuốc, thay đổi liều lượng hay uống bất kỳ loại thuốc nào khác. 

Thăm khám định kỳ và tuân thủ chỉ định của bác sĩ là biện pháp dự phòng bệnh hiệu quả

- Khám sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần giúp phát hiện sớm nhất các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh cũng như các bệnh lý có thể dẫn đến suy tim. 

Nguồncareplusvn
Lượt xem18/10/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết
Tags

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng